Tận dụng tốt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Số 80 Đường Nguyễn Thị Tươi, Khu Phố Tân Phước, Phường Tân Bình TP. Dĩ An, Bình Dương

Hotline: 0976847957

Tận dụng tốt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngày đăng: 19/07/2021 02:53 PM

Các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang ngày càng tập trung đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tái cơ cấu các chuỗi liên kết để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch bệnh ngay từ những ngày đầu năm, song chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 4 tháng/2021 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% (cùng kỳ năm trước giảm 6,5%)...

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tính chung 4 tháng/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của kinh tế TP. Hồ Chí Minh giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ 3. Trong mức tăng chung 9,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng/2021 cũng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 27,7%; ngành cơ khí tăng 17,5%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 7,4%; ngành hóa dược tăng 2,4%.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) - đánh giá, do tác động của đại dịch, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu cũng như các sản phẩm CNHT nhập khẩu cho nên đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây là cơ hội tốt để các DN ngành CNHT trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Cơ hội cho DN CNHT tăng tốc đầu tư

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu hợp tác với các nhà cung cấp trong nước trong lĩnh vực CNHT ngày càng tăng. Tuy nhiên, DN lĩnh vực CNHT chỉ đủ khả năng cung ứng các đơn hàng lẻ, trong khi nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia là các đơn hàng lớn, quy mô sản xuất hàng loạt và đòi hỏi các yêu cầu về tiêu chuẩn cung ứng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, rách nhiệm xã hội, an toàn nhà máy, tiêu chuẩn an toàn lao động...

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh - cho hay, cơ hội phát triển thị trường của các DN CNHT trong nước là rất lớn song các DN phải xác định và chọn lựa một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng để tham gia. Tiếp đó là chú trọng yếu tố kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị có chất lượng và đội ngũ nhân lực. Trong lĩnh vực CNHT cần sự liên kết, hợp tác để chuyên nghiệp hóa từng lĩnh vực, sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN cần có khu, hoặc cụm công nghiệp tập trung chuyên ngành, giúp CNHT đi theo, tạo ra liên kết mới phát triển mạnh được…

Để tạo điều kiện cho các DN sản xuất CNHT tiếp cận các DN FDI và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa sản phẩm CNHT, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu với các DN CNHT tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì chính sách kích cầu và trong năm 2021 sẽ có những đổi mới để chính sách này tạo điều kiện cho DN mở rộng đầu tư, tiếp cận tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ, triển khai các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất.

Theo bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban SHPT, thời gian qua đơn vị này có nhiều hoạt động hỗ trợ DN trong nước kết nối với các DN FDI đầu cuối. Cụ thể, hỗ trợ DN tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tiếp cận thị trường; Xây dựng và cập nhật dữ liệu nhu cầu dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ của các nhà sản xuất công nghệ cao.

Đến nay Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã dành quỹ đất 162.000 m2 cho các DN CNHT trong nước đầu tư. Khi đầu tư tại đây, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN trong 15 năm, trong đó miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các DN CNHT TP. Hồ Chí Minh còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 7 năm, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho một dự án.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline